Ngày đăng: 14.02.2022 / Lượt xem: 2106
Ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1492/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”, trong đó có giao Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất thành lập Hiệp hội PCCC và CNCH tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức nghiên cứu, đánh giá tổng quan tình hình về tính cấp thiết và yêu cầu thực tiễn của vấn đề này trong giai đoạn hiện nay và xu thế cho tương lai. Qua đó, theo thống kê, hiện nay có khoảng 543 hội, hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, là các tổ chức tự nguyện được thành lập dựa trên lợi ích chung của cộng đồng các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tại Việt Nam. Mục đích của hiệp hội là nhằm tập hợp một cách có tổ chức các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hội nhập quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực.
Đối với lĩnh vực PCCC và CNCH, hiện tại ở Việt Nam chưa có một tổ chức hội nào được thành lập và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến công tác PCCC và CNCH. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như các quốc gia trong khu vực, trong đó bao gồm tất cả các quốc gia ASEAN đều đã có các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực PCCC và CNCH, cụ thể như: Ở Châu Á có Hiệp hội lãnh đạo PCCC châu Á (IFCAA), Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Phòng cháy chữa cháy Nhật Bản (JAFSE), Hiệp hội kỹ sư phòng cháy chữa cháy Nhật Bản (JAFPE), Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Trung Quốc (CFPA), Hiệp hội Quản lý An toàn Phòng cháy chữa cháy Singapore (S), Hiệp hội Cứu hỏa và cứu hộ Thái Lan (FARA); Châu Mỹ có Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy quốc gia Mỹ (NFPA), Hiệp hội An toàn Phòng cháy chữa cháy Canada (CFSA); Châu Âu có Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Chuyên gia Anh (ASFP), Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Đức (CTIF); Châu Úc có Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Úc (FPA Australia), Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy New Zealand (FPANZ)…
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC và sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH. Đa số các doanh nghiệp này thuộc thành phần kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các doanh nghiệp này còn rất yếu. Việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu được thực hiện đơn lẻ, chưa có tính tổ chức. Hơn nữa việc tham gia của các doanh nghiệp này đối với hoạt động PCCC còn nhiều hạn chế, chưa tiếp cận, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm, phương tiện PCCC mang thương hiệu Việt Nam. Xuất phát từ thực tế khách quan và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hiệp hội PCCC và CNCH được thành lập sẽ phát huy những vai trò sau:
- Giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Hiệp hội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp PCCC hoạt động, phát triển, bảo đảm tính công bằng, khách quan về quyền lợi và bảo đảm an toàn cho người dân, các cơ sở. Hiệp hội hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất các phương tiện PCCC và CNCH, phát triển công nghiệp PCCC và CNCH tại Việt Nam, làm tăng nội địa hóa phương tiện PCCC và CNCH.
- Tạo môi trường để các hội viên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, biện pháp xử lý các tình huống thực tế về PCCC và CNCH; tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm trong xã hội đối với công tác PCCC và CNCH.
- Hiệp hội có thể giao lưu, liên kết với các hiệp hội khác (như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt – May Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam…) để tăng cường, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động PCCC và CNCH, thu hút nguồn kinh phí phục vụ công tác PCCC và CNCH.
- Hiệp hội giúp đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH, tổ chức các cuộc Hội thảo, triển lãm quốc tế về PCCC và CNCH để giao lưu, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt các giải pháp, chiến thuật chữa cháy và CNCH hiệu quả của các nước trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất phương tiện PCCC và CNCH, tiếp cận phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tiến tiến, hiện đại trên thế giới để nhập khẩu, đưa vào sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm an toàn PCCC và nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại Việt Nam.
- Hỗ trợ các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và CNCH; đồng thời nêu lên nguyện vọng, ý kiến của nhân dân để Nhà nước hoàn thiện pháp luật, quy định quản lý về PCCC và CNCH. Hiêp hội sẽ là cầu nối giữa nhân dân và Nhà nước trong lĩnh vực PCCC và CNCH, qua đó đưa pháp luật, chủ trương đến gần nhân dân hơn, đồng thời thực hiện phản biện xã hội để giúp Nhà nước làm tốt công tác PCCC và CNCH. Hiệp hội hỗ trợ cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trong việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và có thể xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, đề nghị các đơn vị có chức năng xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn.
Từ những lý do trên, việc thành lập Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam là rất cần thiết. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, ngày 11/01/2022, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 214/QĐ-BCA về việc Công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam theo quy định của pháp luật, gồm 10 thành viên, là những người sáng lập, có năng lực được các tổ chức, cá nhân suy tôn.
Ban vận động có nhiệm vụ vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia Hiệp hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội gửi Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hiệp hội theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam, có tư cách pháp nhân, hoạt động trọng lĩnh vực hoặc có liên quan đến lĩnh vực PCCC và CNCH và các cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, hoạt động trong ngành, lĩnh vực hoặc có liên quan đến lĩnh vực PCCC và CNCH có thể liên hệ Ban vận động để nộp đơn xin gia nhập Hiệp Hội PCCC và CNCH Việt Nam. Ban vận động sẽ tự giải thể sau khi Đại hội thành lập Hiệp hội bầu ra ban lãnh đạo của Hiệp hội./.
Lê Tiến Thạo