Việt An Sinh

Công ty TNHH Việt An Sinh

Sologan of Viet An Sinh company
VI EN
Hotline:

0903.539.799

4 tình huống khẩn cấp học sinh Mỹ thường diễn tập

Ngày đăng: 22.11.2021 / Lượt xem: 2141



Mỗi tháng một lần, trường học Mỹ tổ chức diễn tập phòng cháy; ba tháng một lần tập lockdown drill (khóa chặt) và đối phó với lốc xoáy.

Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, giáo viên bang Georgia, Mỹ, chia sẻ cách nhà trường dạy học sinh đối phó khi gặp tình huống khẩn cấp.

Những vụ hỏa hoạn gần đây ở Việt Nam cho thấy sự cấp thiết của việc thiết lập các biện pháp an toàn như xây dựng lối thoát hiểm, lắp đặt thiết bị phòng chữa cháy, hay giáo dục kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Tại Mỹ, ngay từ nhỏ, học sinh đã được học về những phương pháp phòng tránh và đối phó khi gặp tình huống khẩn cấp. Theo tôi, đây là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội, thời tiết... biến động như hiện nay. Sau đây là vài trường hợp khẩn cấp mà các lớp học ở Mỹ diễn tập nhiều nhất:

Fire drill (diễn tập phòng cháy)

Khi diễn tập phòng cháy, nghe chuông báo cháy, giáo viên sẽ đưa tất cả học sinh ra khỏi lớp, đóng tất cả cửa sổ và cửa ra vào, để thùng rác của lớp ra ngoài cửa báo hiệu lớp mình không còn ở trong phòng. Sau đó, thầy cô dẫn các em xếp hàng trật tự ra ngoài, đến địa điểm tập kết cách trường ít nhất 300 m (1.000 feet).

Thường mỗi trường có 3-4 địa điểm tập kết xung quanh, tùy quy mô và địa hình. Học sinh luôn được nhắc đi nhanh nhưng vẫn theo hàng lối (stay quietly in line), không chạy xô đẩy nhau. Khi dắt lớp ra ngoài, giáo viên mang theo một bao/tệp thư mục giấy (folder) trong đó có một tờ giấy/biển báo màu xanh, một màu đỏ, danh sách lớp, tờ hướng dẫn thủ tục diễn tập phòng cháy, sơ đồ thoát hiểm.

Những tờ rơi, phiếu dán ngộ nghĩnh được trường học ở Mỹ phát cho học sinh để nâng cao kiến thức về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
 

Những tờ rơi, phiếu dán ngộ nghĩnh được trường học ở Mỹ phát cho học sinh để nâng cao kiến thức về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi ra đến chỗ tập kết, cả lớp sẽ quay đầu lại, mặt hướng về phía trường. Giáo viên đếm xem có đủ học sinh không. Nếu đủ, thầy cô sẽ giơ biển màu xanh, thiếu thì giơ biển màu đỏ. Thường số học sinh ra điểm tập kết sẽ thiếu nếu đi học theo nhóm ở lớp khác hoặc đang ở trong thư viện, phòng y tá, nhà vệ sinh. Cũng có trường hợp thiếu do cán bộ văn phòng trường cố tình giữ lại để xem giáo viên chủ nhiệm có sát sao nắm tình hình và sĩ số lớp trong trường hợp khẩn cấp hay không.

Giáo viên giao biển cho bạn đứng đầu hàng giơ lên. Nếu có biển màu đỏ, cô giáo phụ trách khu vực tập kết đó sẽ điện báo cho văn phòng hoặc hiệu trưởng, hiệu phó. Người nghe điện sẽ báo lại là học sinh đó đang ở khu vực nào, với ai.

Mỗi cuộc diễn tập kéo dài 5-7 phút. Phải đợi có tín hiệu "all clear" (tất cả an toàn), học sinh mới được vào lại trường.

Trường nào cũng bắt buộc diễn tập phòng cháy mỗi tháng một lần. Các em bé ở độ tuổi nhà trẻ trở lên, ngoài biết phải làm theo quy định, thủ tục diễn tập phòng cháy thế nào, còn phải thuộc nằm lòng câu "Stop, drop and roll", tức là khi có cháy phải "Dừng ngay mọi hoạt động, nằm xuống và lăn".

Các em còn có cơ hội học kỹ về phòng cháy chữa cháy qua những chuyến tham quan đến trạm cứu hỏa trong vùng, các buổi nói chuyện và nhất là ngày hội nghề nghiệp - khi có xe cứu hỏa và lính cứu hỏa (và cảnh sát cùng nhiều người làm những nghề khác) đến thăm trường, giới thiệu về nghề nghiệp. Các em còn biết ở nhà phải có những biện pháp phòng cháy chữa cháy thế nào, có thiết bị gì, hỏi ai, liên hệ ai khi thiết bị hỏng.

Lockdown drill (diễn tập khóa chặt)

Tình huống khóa chặt này có ba mức độ. Trường học chỉ diễn tập cấp độ 3, nguy hiểm nhất, ba tháng một lần. Khi có tình huống xảy ra ở cấp độ 1 và 2, chủ yếu chỉ có ban giám hiệu tham gia xử lý. Nếu tình huống thay đổi thành cấp độ 3, trường sẽ có chuông báo (từng hồi ngắn, ngắt quãng, khác với chuông báo cháy hồi dài vang liên tục) rồi thầy trò cứ theo nội quy mà tiến hành.

- Cấp độ 1: Khóa cửa, giáo viên theo dõi việc di chuyển của học sinh. Học sinh và giáo viên ở trong khu vực trường, vẫn dạy và học như bình thường, nhưng che rèm để hạn chế tầm nhìn từ bên ngoài. Những tình huống cần "lockdown level 1" là khi có mối đe dọa ở phía ngoài trường, như tội phạm trốn chạy.

- Cấp độ 2: Khóa cửa, mở rèm, ở nguyên trong lớp, thầy trò vẫn dạy và học. Giáo viên và học sinh không gọi lên văn phòng, trừ trường hợp khẩn cấp. Những biện pháp này được thực hiện khi có tình huống đe dọa ở trong trường, như học sinh hay phụ huynh cáu giận quá mức.

- Cấp độ 3: Ngay lập tức giáo viên khóa cửa ra vào, tắt đèn, mở rèm cửa sổ để có tầm nhìn ra ngoài. Giáo viên và học sinh giữ im lặng tuyệt đối, đi xa khỏi cửa sổ và cửa ra vào. Thường cô trò ngồi áp vào phía trong tường hoặc chui dưới gầm bàn to (kidney table), trốn sau dãy bàn, ghế, tránh tầm nhìn từ bên ngoài vào. Trường hợp này là khi mối đe dọa ở phía trong trường, có vũ khí (active shooter).

Tornado drill (diễn tập đối phó lốc xoáy)

Giáo viên sẽ phải đóng tất cả cửa sổ, dẫn học sinh ra hành lang, cách xa cửa sổ và cửa ra vào. Học sinh xếp hàng ngang theo từng lớp, nằm gập người, lấy tay che đầu (head down, hand cover head). Cô giáo đi lại giám sát các em, khi có tín hiệu thông báo an toàn (all clear) mới vào lại lớp.

Học sinh lớp cô Hồng iễn tập chống lốc xoáy (tornado drill): cúi gập người, che đầu ở những góc tường ngoài hành lang, xa cửa sổ lớp học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học sinh lớp cô Hồng diễn tập chống lốc xoáy (tornado drill): Cúi gập người, che đầu ở những góc tường ngoài hành lang, xa cửa sổ lớp học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Earthquake drill (diễn tập đối phó động đất)

Khi diễn tập động đất, học sinh tuân theo nguyên tắc "drop, cover and hold on" (thụp, che và đợi). Học sinh phải thu mình xuống thấp, nhỏ lại, thấp dưới mặt bàn; che đầu, cổ và mặt, quay lưng lại cửa sổ. Các em đợi ít nhất sau một phút mới có thể có tín hiệu báo an toàn.

Những tình huống khẩn cấp khác

Những trường hợp khác có thể là trẻ mất tích, bị bắt cóc (như khi có báo động AMBER Alert trên iPhone), có người lạ đột nhập... Những trường hợp này, các em không diễn tập mà cô giáo chủ động giúp học trò phòng chống bằng cách dạy nội quy, những nguyên tắc an toàn như không đưa thông tin cá nhân cho người lạ, biết chỉ đường về nhà.

Chẳng hạn, khi học về kỹ năng bản đồ trong môn Khoa học xã hội, tôi dạy các em kỹ năng đọc và vẽ bản đồ, chỉ đường, miêu tả đường đi... Các em cũng phải thuộc số điện thoại của bố me, ông bà, thuộc địa chỉ nhà.

Những năm qua, các loại diễn tập mà tôi cùng học sinh làm thường xuyên nhất là phòng cháy (fire drill), khóa chặt (lockdown drill) và lốc xoáy (tornado drill). Cũng có khi chúng tôi phải thực hành các tình huống ấy thật rồi, nhưng rất hãn hữu, chỉ 2-3 lần trong 5 năm qua.

Đinh Thu Hồng

 

 

Đang Online: 1 * Tổng truy cập: - THIẾT KẾ WEB VIETSTAR MEDIA